“Xin lỗi các bạn, những cha mẹ luôn mong muốn con cái của mình được hạnh phúc, nhưng việc bạn đang cố gắng làm cho con đã trở thành một việc vô giá trị”, những chia sẻ của Tiến sỹ Berman có thể sẽ khiến bạn giật mình.
Robin Berman là một tiến sỹ về giáo dục, một phó giáo sư chuyên nghiên cứu về tâm thần học, đặc biệt là với đối tượng trẻ em và các bậc cha mẹ. Bà là tác giả của những cuốn sách ăn khách và nổi tiếng, trong đó có cuốn sách gối đầu giường của các bậc cha mẹ trên khắp thế giới là cuốn “Permission to Parent: How to Raise Your Child with Love and Limits”.
Trong một bài viết của mình có tên “Mong muốn lạc hướng về việc muốn con cái chúng ta được hạnh phúc”, bà đã chia sẻ và giải thích về cách thức vượt qua được xu hướng luôn luôn muốn can thiệp vào cảm xúc của con, và có lẽ quan trọng hơn là học cách làm gương cho con về việc điều hoà cảm xúc, ngay cả khi bậc cha mẹ không có những trải nghiệm đó khi còn nhỏ.
Theo TS Berman, đây là cách mà các bậc cha mẹ ngày nay hành xử: Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên về việc con cái chúng ta không vui, chúng ta lao vào xử lý, phục vụ trong khi ý định của chúng ta là hợp lý – sao phải để đứa trẻ chịu đựng khi thật dễ dàng để loại bỏ nỗi buồn. Hệ quả của việc bảo vệ con cái khỏi việc phải tự đối mặt với những thăng trầm trong cuộc sống là những hậu quả lâu dài, mà theo Dr. Berman là bao gồm sự thiếu tự chủ, thiếu khả năng điều hoà cảm xúc, và đòi hỏi trong tương lai về những mối quan hệ phụ thuộc và việc tìm kiếm các yếu tố an ủi từ bên ngoài.
Dưới đây là những phân tích rất chi tiết và đầy đủ của bà:
“Nỗi buồn – Chìa khóa để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc”
Khi tôi thực hiện các bài giảng về việc làm cha mẹ trên khắp đất nước, tôi luôn hỏi khán giả của mình: “Anh chị mong muốn điều gì nhất cho con cái của mình?” Tôi vẫn chưa nghe được câu trả lời mà tôi tìm kiếm. Lời đáp gần như mang tính toàn cầu mà tôi nhận được là: “Tôi chỉ muốn con cái của tôi được hạnh phúc.”
Xin lỗi các bạn, nhưng việc cố gắng làm cho con cái lúc nào cũng hạnh phúc đã trở thành một việc vô giá trị. Quan niệm ấy đã tạo ra hàng loạt những đứa trẻ cũng như người trẻ tuổi bất hạnh và mong manh. Hãy nghĩ đến nhân vật Veruca Salt trong “Charlie và nhà máy sản xuất sô-cô-la” của tác giả và điệp khúc nổi tiếng của cô bé: “Bố, con muốn nó ngay!” như một câu chuyện cảnh tỉnh. Bố cô bé càng nhanh chóng nhảy clacket (nhảy thiết hài – tap dance) để làm hài lòng cô thì cơn ăn vạ của cô càng gia tăng.
Đây là bí mật: Để có những đứa trẻ hạnh phúc, bạn phải dạy chúng cách chịu đựng cảm giác buồn bã. Tôi sẽ nói với bố của Veruca rằng ông ta nên dạy con gái mình xử lý được những cơn cảm xúc – những cảm giác như giận dữ, buồn bã, và vâng, cả thất vọng nữa – thay vì cố gắng bảo vệ cô bé khỏi những cảm xúc ấy.
Chúng ta đã trở thành thế hệ của các “Mr. Salts” – những người chuyên đi an ủi và xoa dịu, những bậc cha mẹ vô tình trở thành mối quan hệ phụ thuộc đầu tiên của chính con cái mình.
Chỉ trong một thế hệ, chúng ta đã đi từ việc quát tháo, “Đi về phòng con đi vì bố/mẹ đã bảo thế!” đến “Ôi, con không muốn đi ngủ ư? Nào, hãy cùng nói về điều đó trong 2 tiếng.” Và còn nữa: “Mẹ sẽ nằm với con cho đến khi con ngủ, sau đó nhón chân ra khỏi phòng – ý là, nếu như mẹ cũng không ngủ thiếp đi trên giường của con và chính thức phá hỏng giấc ngủ của mình!”.
Khi bạn trở thành cha mẹ, bạn cũng trở thành huấn luyện viên cảm xúc, người hướng dẫn riêng cho con bạn về những cảm giác hàng ngày. Nhưng vì sao nhiệm vụ quan trọng này của cha mẹ lại có được ít sự chú ý đến thế? Những bậc cha mẹ đầy thiện ý dành lượng thời gian vô tận để giúp con mình nắm vững những kỹ năng mới, nhưng lại quên mất một sự thật rằng, giống như bóng đá và piano, việc con trẻ quản lý cảm xúc của mình là một kỹ năng chúng cần học và luyện tập. Bạn có thường nghe thấy: “Tôi đang luyện giấc ngủ cho con, con trai tôi đang tập violon, tôi đang huấn luyện cho đội bóng đá của con gái, chúng tôi đang cùng đến Kumon để học toán…” Vậy, trường Kumon dạy cảm xúc thì đâu?
Không có lúc nào là quá sớm để chỉ cho con trẻ thấy cách thức xử lý với cảm xúc của mình, bởi trẻ em có những nơ-ron thần kinh phản chiếu trong não bộ. Chúng học theo cách hành xử của chúng ta, gần như là mượn một phần hệ thống thần kinh của bố mẹ để tạo lập nên hệ thần kinh của mình. Khi cha mẹ quản lý tốt cảm xúc của họ ngay từ khi con còn nằm nôi, họ đã giúp con mình học cách xử lý cảm xúc một cách tích cực.
Một trong những món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể trao cho con cái là chỉ cho chúng thấy cách thức cài đặt và sử dụng chiếc rơ-le cảm xúc của mình. Chiếc rơ-le này sẽ giúp chúng đắc lực trong cả cuộc đời. Điều này được khoa học chứng minh.
Những đứa trẻ và người trưởng thành nào quản lý tốt cảm xúc của mình thì hiểu và hài lòng với chính mình hơn, dễ dàng hơn trong môi trường công việc, bạn bè, và tình yêu.
Ngược lại, những người lớn và trẻ mới lớn không điều tiết được cảm xúc của mình thường tìm kiếm sự an ủi từ bên ngoài. Họ tìm niềm an ủi trong đồ ăn, các chất gây nghiện, rượu bia, họ bị dính vào những mối quan hệ tiêu cực, trở nên phụ thuộc vào người khác, v.v Khi những cá nhân này trở nên quá lo lắng, quá buồn, hoặc quá dễ bị kích động, họ sẽ phải tìm đến bác sĩ tâm lý hoặc họ sẽ luôn ở trên chuyến tàu lượn siêu tốc về cảm xúc. Và chuyến tàu này thì không thích thú gì.
Thật không may, chúng ta đang sống trong một xã hội chứa đầy một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là ảnh hưởng rối loạn (dysregulated affect) (cảm xúc dễ bị thay đổi – labile emotions) – tức là những người lớn không thể điều hoà được cảm xúc của mình. Họ cắn môi, họ hét, họ gọi những tên tục, và luôn đổ lỗi.
Các phương tiện truyền thông chỉ càng làm sự nhiễu loạn này trầm trọng thêm. Tôi lo lắng về sự thiết hụt của định hướng tích cực trên truyền thông. Trước kia, khi cha mẹ không thể quản lý được cảm xúc của mình, trẻ em có thể tìm đến Mike Brady hoặc Mr. Rogers là những người làm gương cho cảm xúc điều hoà và bình tĩnh. Còn giờ đây, những chương trình TV thực tế đề cao ảnh hưởng rối loạn (dysregulated affect). Một “Bà nội trợ” từ bất kỳ đâu cũng cư xử quá đáng hoặc ném đồ thuỷ tinh. Các ứng cử viên tổng thống thì gọi tên tục, đổ lỗi, bộc lộ sự tức giận trên truyền hình. Chính những “tiêu chuẩn” mới này của cách hành xử tiêu cực càng làm tăng tầm quan trọng của việc cha mẹ dạy trẻ cách xử lý những cảm xúc khó khăn.
Đây là một thử thách lớn đối với các bậc cha mẹ chưa từng có cho chính mình một tấm gương tốt. Nếu cha mẹ của bạn đã không có một phong vũ biểu cảm xúc cho chính họ – nếu họ đã la hét, đánh bạn, nói xấu bạn, và thu hồi tình yêu dành cho bạn khi họ thấy bạn “hư” – thì làm sao bạn có thể dạy con mình theo một cách khác đây
Tôi nhìn thấy hàng ngày những ví dụ về cách cha mẹ lặp lại xu hướng hành xử tiêu cực. Tuần trước, ở một bể bơi khách sạn, tôi nghe thấy một người cha mắng con mình: “Con là đứa trẻ duy nhất kêu ca trong cả cái bể bơi này. Bố sẽ không chơi với con nữa.” Cũng tuần đó, tôi thấy một người mẹ doạ bỏ đứa con 4 tuổi của cô ấy ở lại trong cửa hàng nếu cô bé không cư xử ngoan ngoãn. Và thêm một ông bố hét lên với đứa con 3 tuổi ngọ nguậy của mình trong nhà hàng: “Con chính là lý do mà bố sẽ phải mua đồ mang về.”
Những ảnh hưởng đầu tiên này sẽ tạo ra một vòng quay mãi mãi, tạo ra những đứa trẻ mà khi lớn lên có thể không biết cách quản lý cảm xúc của mình ra sao.
Vậy bạn có thể làm gì? Đây là danh sách ngắn của tôi về cách dạy cho con bạn cách quản lý những cảm xúc khó khăn:
1. Bao dung/chịu đựng (tolerate) những cảm xúc tiêu cực của con mình mà không vội vàng lao vào giúp chúng xử lý hoặc dồn thêm cho con những cảm xúc của chính mình
Khi bạn có một ngày tồi tệ và phàn nàn về nó với bạn đời của mình, bạn không muốn anh ấy/cô ấy đáp lại về việc anh ấy/cô ấy có thể sửa chữa vấn đề như thế nào (hoặc hùa thêm vào bằng chính câu chuyện của anh ấy/cô ấy) – bạn chỉ muốn bộc lộ cảm xúc của mình và muốn được lắng nghe. Trẻ em cũng vậy. Nếu con bạn khóc vì bị điểm kém, đừng nói, “Mẹ không thể chịu nổi thầy giáo đó.” bởi câu nói đó chính là cách bạn dồn thêm cảm xúc của mình lên đứa trẻ.
Hãy vượt qua sự thôi thúc dừng những giọt nước mắt bằng cách nói rằng bạn sẽ nói chuyện với thầy giáo (bạn đang lấy mất sự tự chủ của con mình). Thay vào đó, hãy thử: “Bố/mẹ có thể thấy là con đang không vui. Con định sẽ làm gì? Lần sau thì con sẽ làm như thế nào?” Chúng ta không muốn dạy con luôn tìm đến chúng ta để có cách giải quyết mỗi vấn đề, hoặc biến chúng ta thành mối quan hệ phụ thuộc đầu tiên của con – khi cha mẹ động não quá nhiều thì con sẽ động não quá ít.
Để vun đắp sức mạnh bên trong và sự dẻo dai cho con cái, các bậc cha mẹ cần thành thạo việc chịu đựng/bao dung với chính những cảm xúc khó khăn của mình, và chiến thắng mong muốn cháy bỏng là cứu con mình ra khỏi những cảm xúc tiêu cực. Cha mẹ cần tập cách thoải mái với cảm giác không thoải mái khi phải nhìn con mình vật lộn. Nếu bạn lao vào và cứu con mình, bạn gửi cho con một thông điệp rằng con không thể tự xử lý cảm xúc. Quả là rất khó khi phải nhìn đứa trẻ mà bạn yêu thương tha thiết phải vất vả hay buồn bã.
Nhưng vượt qua những trạng thái cảm xúc khó khăn của bản thân là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Trẻ chỉ có thể làm tốt việc đó khi chúng được cho phép tập luyện. Vì thế, nguyên tắc đối với cha mẹ là: Khi nghi ngờ, hãy đứng ra xa. Hãy cho con bạn món quà tuyệt vời của việc tự vượt qua những cảm xúc của chính mình.
2. Nếu bạn đối xử với con cái theo kiểu chúng thật “mỏng manh”, chúng sẽ tiếp tục mỏng manh như vậy
Hãy nói với con trên cơ sở những điểm mạnh của chúng thay vì những điểm yếu: “Mẹ biết là rất khó để nói với bạn con rằng con đang không vui vì việc đã xảy ra, nhưng mẹ tin là con làm được, và mẹ cũng chắc rằng con sẽ cảm thấy gần gũi với bạn hơn sau khi con làm điều đó.” “Mẹ biết con lo lắng về việc ngủ lại nhà Jack lần đầu tiên, nhưng mẹ sẽ có mặt ở đó vào buổi sáng để đón con, và con cảm thấy nhớ nhà thì là bình thường thôi.” Hãy để con bạn tập vượt qua những hàng rào cảm xúc nho nhỏ này, để khi lớn lên, chúng có thể xử lý được những cảm xúc mạnh hơn.
Hãy trở về với thiên nhiên và làm theo cách mà người mẹ vĩ đại – Mẹ Thiên Nhiên – đã làm. Nếu gà mẹ cố tìm cách làm vỡ vỏ trứng để giúp gà con chui ra, gà con sẽ chết. Nếu chúng ta cứ “bay vè vè” bên trên và liên tục cứu con mình khỏi việc cảm thấy buồn bã, chúng ta đang ngăn cản chúng lớn lên mạnh mẽ.
3. Bạn phải TRỞ THÀNH tấm gương trước khi bạn có thể DẠY bài học
Việc này khó đấy. Nó đòi hỏi cha mẹ phải tự phản ánh về bản thân mình. Cha mẹ càng hiểu rõ và nắm bắt được bản thân mình tốt bao nhiêu thì càng làm cha mẹ tốt bấy nhiêu. Đơn giản là thế. Chúng ta cần nhìn thật kỹ cách mà chúng ta đang làm gương cho con trẻ. Chúng ta không muốn gào thét vào mặt con để bắt con dừng gào thét hoặc quát nạt chúng để bảo chúng bình tĩnh lại. Chúng ta phải dành một phút tự khép bản thân vào kỷ luật trước khi yêu cầu kỷ luật với con.
Các bậc cha mẹ thường hỏi tôi có tin vào hiệu quả của việc phạt “time-out” hay không. Tôi có – nhưng không phải cho bọn trẻ – mà là cho cha mẹ! Hãy tạm lánh ra chỗ khác trước khi bạn nói điều mà bạn có thể sẽ tiếc nuối khi đang trong cơn cao trào. Một người mẹ thấy con mình nói dối và ngay lập tức la lên: “Sau tất cả những gì mẹ làm cho con, đây là cách con đối xử với mẹ sao? Con hư quá đấy!” Nếu người mẹ ấy đã cho mình khoảng thời gian một giờ hoặc một ngày, có thể cô ấy đã có thể truyền thải thông điệp một cách bình tĩnh hơn, thay vì dán nhãn cho con mình. Nếu cô ấy đã tự cho mình một quãng time-out, cô ấy đã có thể thay việc gọi tên bằng một cuộc nói chuyện thấu đáo hơn về giá trị của lòng trung thực.
Việc dạy con cái quản lý cảm xúc đòi hỏi chúng ta trước hết học cách điều tiết cảm xúc của chính mình. Làm cha mẹ là cơ hội tuyệt vời để tự rèn giũa bản thân, nhờ đó chúng ta dạy dỗ con cái tốt hơn.
4. Đồng cảm với cảm xúc của con – đừng phủ nhận chúng
Việc phủ nhận cảm xúc không bao giờ khiến chúng qua đi. Việc nói những điều như: “Thôi con nín đi, có đau đâu nào,” hoặc “Con đừng sợ, bộ phim đó có đáng sợ đến thế đâu,” không khiến cảm xúc mất đi, mà có thể khiến những cảm xúc thực sự bị ẩn sâu xuống dưới. Hãy hiểu cho con bạn: “Mẹ có thể nhìn gương mặt con và biết là bộ phim đó thực sự làm con thấy sợ.” Sự đồng điệu về cảm xúc tạo ra sự an toàn cảm xúc cho con bạn.
Bước đầu tiên cha mẹ cần thể hiện là, “Mẹ thấy con, mẹ hiểu con, mẹ nghe con.” Đồng cảm là nguyên liệu quan trọng nhất vì trẻ em vô cùng thành thạo ngôn ngữ cảm xúc. Sự cảm thông của cha mẹ giúp chúng giải mã và quản lý cảm xúc của mình. Hãy nói với con bạn: “Mẹ biết con muốn thức thêm – mẹ rất hiểu – nhưng giờ đi ngủ là 8 giờ.”
Một cách đầy yêu thương, bạn vừa thừa nhận cảm xúc của con vừa giữ được lập trường. Là cha mẹ, chúng ta thường bỏ qua phần cảm thông và đi thẳng đến phần dạy bảo: “Trả lại Lego cho bạn đi,” thay vì “Mẹ thấy là con rất muốn chơi Lego, nhưng Jack đang chơi nó trước.” Hoặc, “Mẹ biết con rất muốn đến bữa tiệc của Jane, nhưng không có cha mẹ ở đó trông nom các con, nên mẹ xin lỗi, con không thể đi được.” Bạn muốn cho thấy là bạn nghe, bạn thấy, bạn hiểu con – sự đồng cảm sẽ làm nhẹ bớt những cảm xúc khó khăn.
5. Tự hỏi bạn thân điều đó có nghĩa thế nào với bạn. Đừng lẫn lộn nhu cầu của mình với nhu cầu của trẻ.
Thường khi, việc không chịu được sự buồn bã của con lại liên quan hoàn toàn với tuổi thơ của chính chúng ta. Khi con bạn buồn và bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã, hãy hỏi chính mình: “Điều này có nghĩa là gì với mình?” Nước mắt và sự thất vọng của con đang gợi cho bạn điều gì? Nếu bạn thấy mình đang khóc như mưa như gió vì con mình bị loại khỏi đội, liệu có phải vì bạn đã từng bị như thế? Nếu bạn rất khó chịu mỗi khi con bạn muốn một thứ gì đó, liệu có phải bởi vì hồi nhỏ bạn không được cho phép có bất kỳ nhu cầu gì hoặc không hề có chút tiếng nói nào?
Như người ta đã nói, “Hysterical is historical” (Sự rối loạn là có căn cứ): Nếu bạn cảm thấy lấn bấn quá mức với một tình huống nào đó xảy ra với con mình, thường thì nó có liên quan nhiều đến chính quá khứ của bạn. Hãy dùng những cảm xúc nặng nề của mình như một cơ hội để chính mình lớn lên. Nếu bạn giải quyết được gốc rễ của việc bạn quá bận tâm về một vấn đề cụ thể mà con bạn gặp phải, bạn có thể giải phóng được cho cả mình và con.
6. Đừng trao đổi cảm xúc với đồ ăn, quà cáp, hoặc những thiết bị điện tử
Nếu chúng ta không muốn con cái mình tìm kiếm sự an ủi từ bên ngoài, chúng ta cần thôi nói: “Nếu con nín, mẹ sẽ cho con cái bánh,” hoặc, “Nếu con chán, con buồn, con có thể chơi game trên điện thoại của mẹ.” Đừng khiến tôi phải bắt đầu câu chuyện về việc sử dụng các thiết bị điện tử như vật an ủi. Bạn có thể khiến nước mắt con ngừng rơi trong thời gian ngắn, nhưng tôi chắc chắn là về dài hạn thì sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn để con rèn luyện qua cảm xúc của mình.
Bạn để ý xem, trong từ “emotion” có “motion”: Hãy để con cái chúng ta đi qua những cảm xúc của chúng; đừng tìm cách chặn chúng lại. Khi chúng ta cảm thấy bế tắc với con, thì đó thường là cơ hội tuyệt vời để tất cả cùng trưởng thành. Con trẻ sẽ không tan vỡ vì những cảm xúc khó khăn của chúng, chúng sẽ học được cách vượt qua. Một phần quan trọng của sức khoẻ tinh thần là làm hoà được với những cảm xúc của mình, biết rằng mình không cần trốn tránh chúng, tiêu diệt chúng, mà hiểu rằng bạn có sự linh hoạt và dẻo dai về cảm xúc để cảm thấy an toàn với chính mình.
Hãy tưởng tượng rằng tất cả chúng ta đều học được cách quản lý cảm xúc, tưởng tượng rằng mỗi đứa trẻ và người lớn đều biết cách cài đặt và điều tiết chiếc rơ-le cảm xúc của mình. Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội nơi các cặp đôi đạt được mong muốn, những người đồng nghiệp có thể cùng nhau giải quyết vấn đề một cách suôn sẻ, một thế giới nơi bạo lực được đẩy lùi và các mối quan hệ bớt căng thẳng.
Chúng ta vẫn sẽ có những lúc thất vọng và buồn bã, nhưng chúng ta đã có hộp công cụ cảm xúc để xử lý những thách thức. Vì thế, lần tới khi tôi giảng cho các bậc cha mẹ và hỏi khán giả điều mà họ mong muốn nhất cho con cái của mình, tôi sẽ mãn nguyệt nếu ai đó nói: “Tôi muốn nuôi dạy những đứa trẻ có thể quản lý được cảm xúc của mình.” Điều đó, tôi cam đoan với bạn, là bước tiến lớn đến với việc nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc.
Theo Phan Hà Thu
Trí thức trẻ/Goop